Nhận tiền góp vốn rồi… bán dự án
Từ năm 2015, Công ty CP Sông Đà Nha Trang (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) đã bán “căn hộ trên giấy” tại dự án Butterfly Tower - TM cho nhiều khách hàng góp vốn đầu tư. Theo hợp đồng, người mua đã góp vốn đầu tư (lên đến hàng tỷ đồng) sẽ được bàn giao căn hộ vào quý 1-2017, nhưng đến nay dự án vẫn chưa xây dựng gì. Sau khi đã ký hợp đồng, thu tiền góp vốn đầu tư của gần 200 khách hàng mua căn hộ, Công ty CP Sông Đà Nha Trang lại đem bán dự án cho doanh nghiệp khác. Bà Lê Thị Hồng Vân (62 tuổi) cho biết, năm 2015, bà và con rể ký hợp đồng góp vốn với Công ty CP Sông Đà Nha Trang mua 2 căn hộ tại dự án Butterfly Tower ở khu dân cư Cồn Tân Lập và đã đặt cọc cho công ty gần 1,4 tỷ đồng. Tiền đã chi, nhưng đến nay dự án “bất động”, người mua đang phải gồng gánh lãi suất ngân hàng.
Tại tỉnh Bình Thuận, thời gian qua, tình trạng các dự án BĐS dù chưa đủ điều kiện pháp lý nhưng đã ồ ạt rao bán, nhận cọc giữ chỗ diễn ra tràn lan. Điển hình như tại dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né (TP Phan Thiết), dù chưa đủ điều kiện mở bán căn hộ nhưng đơn vị môi giới dự án đã nhận tiền đặt cọc và sau đó chủ đầu tư tổ chức ký hợp đồng dưới dạng vay vốn với các khách hàng. “Thấy dự án nằm ở vị trí đẹp, tôi đã đặt cọc 60 triệu đồng để mua căn hộ. Tuy nhiên, chờ đợi quá lâu, dự án chưa hoàn thiện giấy tờ để giao căn hộ nên tôi muốn đòi lại số tiền đã đặt cọc nhưng rất khó khăn”, chị L.P.U. (ngụ tỉnh Đắk Lắk) phản ánh. Cũng tại tỉnh Bình Thuận, tình trạng các đối tượng lập khống các dự án BĐS rồi rao bán, thu lợi bất chính đang khiến không ít nhà đầu tư mất tiền, mất niềm tin. Điển hình như trường hợp Nguyễn Hữu Kha (ngụ tỉnh Bình Thuận) cùng các đối tượng khác vẽ lên nhiều dự án BĐS “ảo”, sau đó cho nhân viên đăng lên các trang mạng xã hội để rao bán. Với cách thức, thủ đoạn trên, có hơn 200 người đã ký hợp đồng mua đất của nhóm này với tổng số tiền hơn 118 tỷ đồng. Đến nay, hàng loạt khách hàng đầu tư đành ngậm đắng nuốt cay với dự án này vì mua phải “vịt trời”!
Ở khu vực Tây Nguyên, tỉnh Lâm Đồng hiện có 15 dự án kinh doanh BĐS đang được triển khai (13 dự án thương mại và 2 dự án nhà ở xã hội). Trong đó, phần lớn các dự án phân lô bán nền nằm rải rác từ huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, TP Bảo Lộc đến TP Đà Lạt, có quy mô từ vài hécta đến hàng chục hécta. Đa phần những dự án BĐS được các chủ đầu tư tự quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng không thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã. “Việc đầu tư vào các dự án chưa đủ tính pháp lý rất dễ khiến người dân mất cả chì lẫn chài”, anh Lê Thọ (ngụ TP Đà Lạt) nhận định. Tương tự, tại tỉnh Kon Tum, dự án Tổ hợp thương mại, vui chơi giải trí và nhà phố do Công ty CP Tập đoàn FLC làm chủ đầu tư có diện tích hơn 179.600m2 chưa hoàn thành, nhưng Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh đã tham mưu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, sau khi thanh, kiểm tra dự án, Thanh tra Chính phủ kết luận, UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh thực hiện nhiệm vụ bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá là sai, vi phạm Nghị định 151/2017/NĐ-CP và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
<div class="sda_middle">